Xây dựng, san lấp mặt bằng công trình

Lượt xem : 740

Ngoài nạo vét luồng lạch, cảng biển thì San lấp mặt bằng cũng là một thế mạnh của Công ty TNHH Xây dựng Chấn Nam.

Từ thực tế của Việt Nam hiện nay là tình trạng khan hiếm cát xây dựng ngày càng trầm trọng. Tổng nhu cầu về cát xây dựng của cả nước dự tính khoảng 2,3 tỷ m3, nhưng trữ lượng cát cả nước chỉ còn khoảng 2,0 tỷ m3. Một trong những nguyên nhân khiến cho sản lượng cát suy giảm nghiêm trọng là do cát được sử dụng quá nhiều vào việc san lấp. Hải Phòng cũng nằm trong tình trạng khan hiếm chung như vậy, đặc biệt khi triển khai xây dựng và phát triển thành phố với một loạt các dự án đầu tư.

Để đảm bảo cho hoạt động xây dựng và không thất thoát tài nguyên, vấn đề đặt ra lúc này là cần giải pháp tận dụng nguồn vật liệu nạo vét hàng năm, xử lý thành vật liệu san lấp. Mô hình tận dụng vật liệu nạo vét xử lý thành vật liệu san lấp, nếu được triển khai, sẽ tiết kiệm được nguồn kinh phí rất lớn, đồng thời là cơ hội để tạo ra loại vật liệu mới trong ngành xây dựng, thay thế nguồn cát san lấp truyền thống. Tại Hải Phòng, khu công nghiệp Deep C Hải Phòng cần tới 50 triệu m3 vật liệu san lấp, nhưng dự kiến sẽ dùng khoảng một nửa là vật liệu nạo vét đã qua xử lý, vì chi phí rẻ hơn khoảng 50% so với cát truyền thống.

Mặt khác, về vấn đề môi trường, khi tận dụng nguồn vật liệu nạo vét, xử lý thành vật liệu san lấp, sẽ tránh được các sự cố ô nhiễm môi trường, bảo vệ được các hệ sinh thái. Đặc biệt với thành phố Hải Phòng, quần đảo Cát Bà nằm về phía Nam Vịnh Hạ Long được Unessco công nhận là khu bảo tồn sinh quyển thế nên cũng rất cần bảo vệ gìn giữ hệ sinh thái môi trường biển, tránh việc nhận chìm vật liệu nạo vét ngoài biển.

Từ nhu cầu cấp thiết đó, trong thời gian qua, Công ty TNHH Xây dựng Chấn Nam đã tiến hành thử nghiệm nhiều lần việc xử lý vật liệu nạo vét thành vật liệu san lấp. Phương pháp cơ bản bao gồm hai bước chính như sau:

Bước 1 - Tách nước: Tạo khu vực chứa chất nạo vét, có đập chắn, đưa vật liệu nạo vét (đã được tách hết rác và hạt kích thước lớn) vào theo từng lớp, sử dụng lắng đọng tự nhiên để tách nước, sau một khoảng thời gian nhất định (có bảng đối chiếu cụ thể cho từng loại vật liệu nạo vét - phụ thuộc vào nguồn vật liệu nạo vét) thì một phần vật liệu nạo vét đã trở thành vật liệu được dùng để san lấp. Còn lại là phần bùn cần xử lý tiếp/

Bước 2 – Trộn thêm các phụ gia: Đưa phần bùn nói trên vào xưởng sản xuất. Hoặc là vật liệu nạo vét dạng bùn (đã được tách hết rác và hạt kích thước lớn) được phối trộn với nước xi-măng, các phụ gia khác. Sau khi phối trộn với tổ hợp chất phụ gia, sẽ thu được sản phẩm là vật liệu san lấp.

Từ bối cảnh thực tế và kết quả thử nghiệm nói trên, thì dễ dàng nhận thấy việc tái chế, tận dụng nguồn tài nguyên từ vật liệu nạo vét xử lý thành vật liệu san lấp thay thế cho nguồn cung cấp cát đang cạn kiệt là một giải pháp hết sức cấp thiết và phù hợp, cần nhân rộng trong quá trình đầu tư xây dựng và phát triển bền vững của thành phố Hải Phòng.


Bài viết cùng chủ đề